Đích đến của một mối quan hệ là gì?
Giữa bộn bề vòng xoáy của dịch bệnh, cách ly, suy thoái kinh tế, mình hãy nói về 1 thứ đau đầu không kém, đó là sự phát triển của các mối quan hệ.
Trước kia, chúng ta vẫn luôn chỉ có 1 lối suy nghĩ tuyến tính, "yêu là cưới", tức đích đến cuối cùng, thiêng liêng nhất của tình yêu, là hôn nhân. Nhưng rốt cuộc, sau nhiều dịp bể dâu, ngó nghiêng xung quanh, đi bên lề cuộc đời của những người mình biết, mình chợt nhận ra, hôn nhân có lẽ không còn là đích đến của một mối quan hệ. Hôn nhân trao lên bờ vai của bạn và cả đối tác sức nặng của những trách nhiệm vô hình, sự sẻ chia tài chính, sự công nhận vị thế của nhau trong mắt của không chỉ đối tác, mà cả của họ hàng tông ti nhà đối tác, sức nặng của việc duy trì ngọn lửa hôn nhân, để nó không tắt ngóm sau một đêm mưa buốt lạnh tháng 12 nào đó, trái tim bạn bớt đi những ấm nóng của cảm xúc thưở ban đầu. Hay đơn giản bạn bỗng cảm thấy bức bối với chính không gian gia đình hôn nhân ấy, bạn bỗng sợ tiếng khóc của con, sợ cả câu hỏi "mấy giờ anh/em về?", bạn phút chốc muốn sống lại quãng thời gian độc thân, khi bạn chẳng ràng buộc bởi những lời hứa và trách nhiệm.
Chúng ta, có lẽ, sẽ càng ngày đi tìm, và mãi tìm, ở đâu đó trên địa cầu này, nơi tồn tại những mối quan hệ mà con người ta chỉ đơn giản và nguyên sơ là làm nhau hạnh phúc, làm nhau vui sống những tháng ngày ngắn ngủi làm người (mà vốn dĩ, kiếp nhân sinh làm người đã là khởi sự của rất nhiều nỗi buồn và cô đơn).
Hôn nhân có phải là sau tất cả những tổn thương người ta dành cho nhau, cố gắng băng bó những vết thương do mình, do người với một niềm tin ngây thơ, "thiếu cơ sở lý luận" là "rồi mọi chuyện sẽ ổn, theo cách nào đó, và thứ ta có được trong và sau hôn nhân là thứ tình thân, tình nghĩa trân quý?
Khi chúng ta ở trong mối quan hệ với 1 ai đó đủ lâu, chẳng phải chúng ta sẽ bắt đầu nghĩ đến một trạm dừng đủ yên bình để cùng nhau đi tiếp theo những năm tháng dài rộng trước mắt? Và ta tin rằng hôn nhân là cánh cửa để dẫn đến trạm dừng ấy?
Nhưng hóa ra không phải, dường như hôn nhân sẽ là cánh cửa dẫn bạn đến với sự lặp lại của những thói quen, của sự tính toán vật chất, và trên tất thảy, là sự chông chênh, thót sợ mỗi khi ngoài kia có cuồng phong, giông bão.
----------------------
Cơn bão đôi khi không dừng lại ở trước cửa nhà, như ta nghĩ
Cơn bão đôi khi làm bay mái, hoặc thậm chí, sập nhà của bạn
Và chỉ còn lại những đứa trẻ bơ vơ
Comments
Post a Comment