Tại sao ta cần có Tết?


Lâu lâu có một đợt xã hội "loạn lạc" vì đề xuất bỏ Tết truyền thống, gộp vào một lần cùng Tết dương lịch. Lý do đưa ra thật đa dạng như tiết kiệm thời gian, nhân lực, phát triển kinh tế...Chung quy lại là người ta thấy Tết tốn thời gian và vô nghĩa. Ấy vậy mà đối với tôi, một tâm hồn yêu thích những điều xưa cũ và già cỗi, Tết là điều gì đó dù thật bận rộn và đôi khi phiền phức, nhưng chẳng thể nào không có. Chỉ bởi đơn giản Tết là một trong những khoảng thời gian hiếm hoi trong năm ta được gặp lại hình ảnh "thơ trẻ" của chính mình, mặc dù đôi lúc, hình ảnh ấy cũng đã kịp mất đi đôi phần hồn nhiên.

Dạo bé, Tết của tuổi thơ có tiếng nổ lóc chóc của vỏ trấu khi cả nhà quây quần gói bánh chưng dưới sân chung. Các căn biệt thự cổ ở Hà Nội luôn có sự thiết kế khéo léo bằng cách dành một diện tích chừng 50-60m2 để làm thành một khoảng không thoáng đãng cho căn nhà. Và khoảng không ấy trở thành nơi sinh hoạt chung của cả đại gia đình, nơi chụp ảnh ngày Tết và cũng là nơi lần đầu tiên ôm trên tay chú chó nhỏ. Từ ban công tầng 2 nhà tôi nhìn xuống đủ để quan sát mọi hoạt động của chiếc sân này. Ở một góc nhỏ là anh họ tôi ngồi nhóm bếp, luộc rau và tranh thủ học bài. Một góc khác là thím họ quét sân. Lâu lâu lại có người ngước lên hỏi tôi "đã ăn cơm chưa". Hoạt cảnh sinh hoạt tâp thể ấy thực sự chỉ đẹp và sinh động trong mắt của một đứa trẻ 5 tuổi. Còn khi ta trưởng thành hơn, hoạt cảnh ấy là thứ gì đó thật phiền nhiễu và xâm phạm quyền riêng tư. Và từ đó, những cánh cửa đóng lại, khoảng sân nhỏ hiu hắt, tựa như một quá khứ huyên náo đầy màu sắc nằm im lại trong hộp phát nhạc cũ kỹ. Chẳng còn ai muốn vặn dây cót để phát lên những tiếng nhạc ấy nữa. 


Mùa Tết kéo đến cũng là lúc ta tham gia vào Đại hội dọn nhà, xới tung mọi ngóc ngách và dọn sạch đi những đồ vật cũ hỏng. Và cứ thế, những mảnh ký ức va chạm vào nhau, mang đến cho ta thứ cảm xúc dâng lên mênh mang như mặt Hồ Tây chiều 30 Tết. Thứ cảm xúc mờ nhòa, đong đầy của tuổi trẻ và những rong ruổi tuổi 20 ít âu lo. Tết cũng là khi ta có dịp để nhìn ngắm, thật chậm và thật gần, những người ở bên ta suốt 365 ngày. Chẳng còn những nháo nhào mỗi tối, lặp lại chuỗi hành động đến mức gần như vô thức: đi làm - ngủ - càu nhàu - đi làm.....Ta chợt nhận ra cô con gái nhỏ đã lớn thật lớn, với đôi mắt trong veo khẽ mở to mỗi khi lắng nghe ta nói. Mẹ đã làm mọi việc chậm rãi hơn vì bàn tay đã yếu đi và chẳng thể thoăn thoắt cúi người được nữa. Khóm hoa hồng đã ra thêm 2 nụ nhỏ xinh chúm chím còn chú mèo mướp sau một mùa đông ủ mỡ nay đã tiến hóa thành chàng mèo anh minh râu dài trắng tinh. 

Đặt lọ hoa đầu tiên lên bàn, bạn bắt đầu cảm nhận đâu đó vị Tết đang đến thật gần, chạm hiên cửa nhà. Đặt thêm lọ hoa thứ hai, Tết đã ở ngay đây, trong không gian nhỏ ấm áp của riêng bạn.  

Hãy nói tại sao bạn lại muốn bỏ đi cái Tết âm lịch này? Hà Nội đang đi vào những ngày mưa ẩm điển hình của mùa đông Bắc Bộ. Cái rét len lỏi vào cả đôi bàn tay thô ráp của bác bán đào ven đường. Những hạt mưa li ti trượt nhẹ trên mái tóc của lũ trẻ con nghỉ học sớm, chạy quanh góc sân tập thể cũ. Dọc phố Từ Hoa, ven đê Nghi Tàm, những chậu cúc vạn thọ, đại đóa, cúc chi chen chúc nhau trong tiếng xì xào, huyên náo của người mua kẻ bán. 

Tết là gì khi thiếu vắng những tất bật này. Những hoan hỉ của con trẻ được manh áo mới? Những ấm êm khi căn phòng thơm mùi vỏ bưởi, mùi hương trầm, mùi của GIA ĐÌNH?

By (F).

Comments

Popular posts from this blog

Tuổi thơ của bạn là gì?

Đích đến của một mối quan hệ là gì?