Đồng nát ký ức

Tôi có một cô bạn thân làm trong ngành khách sạn. Tiêu chuẩn mặc định trong ngành này là "thẳng tăm tắp-đều răm rắp" để thể hiện sự đồng đều chuyên nghiệp, dành sự nổi bật, khác biệt cho khách hàng. Bạn tôi là một nhân viên front office gương mẫu điển hình từ dáng vóc chuẩn, tóc đen gọn gàng, không hình xăm không trang sức, đến trang phục lịch sự không nếp gấp, đến lời nói cử chỉ. Nói chung, sảnh khách sạn khi có bạn đứng trực là một bầu trời thanh lịch mở ra trước mắt khách hàng. Thực ra khi đã sống trong ngành dịch vụ nói chung và khách sạn nói riêng thì mỗi người đều rất ít những thứ được cá nhân hoá, mọi công cụ làm việc đều được công ty cung cấp. Nên khi ra đi, thứ để lại chỉ còn là danh tiếng trong ngành. Cho đến khi bạn tôi nghỉ việc, bạn tôi truyền lại hết cho đàn em kinh nghiệm làm việc cho khách sạn, tài liệu công ty không hề mang đi dù chỉ là một trang bản thảo training. Ngày cuối làm việc, bạn tôi mở ngăn kéo cá nhân vốn được xếp rất gọn gàng, sạch sẽ mang ra nào là túi nilon, túi giấy, túi to túi nhỏ nhặt nhạy được trong quá trình check phòng khách hoặc là giấy gói quà sinh nhật hoặc là túi nilon mua quà tặng sếp... Hôm ấy, đàn em được một bài training mới rất trực quan về khả năng tích trữ đồ, sắp xếp một cách siêu gọn gàng và hiệu quả. Trưởng bộ phận sau đó yêu cầu các nhân viên trong phòng nhân tiện dọn dẹp lại văn phòng. Sau buổi dọn dẹp, bạn tôi có thêm tri kỷ là một đồng nghiệp khác, với một ngăn kéo còn ty tỷ thứ hơn bạn tôi, cũng được sắp xếp gọn gàng, khoa học, ngay ngắn. Khi kể lại câu chuyện này, bạn tôi giải thích "bỏ đi thì tiếc, thể nào cũng có lúc dùng đến".

Bố tôi thì khác, bố tôi không tích trữ túi nilon, thậm chí ghét chúng. Nguyên là một thợ kỹ thuật, bố tôi nhét đầy nhà những nào là máy móc động cơ, đinh búa các size, dây điện đủ loại, kìm kẹp bu lông và những thứ không tên khác. Những chiếc bình vỡ, chai dầu gội cắt lấy đáy, vòi hoa sen hỏng...và hàng loạt đồ nhựa khác. Mẹ tôi luôn kêu ca về khả năng tích trữ, nhồi nhét các góc nhà của bố. Mỗi lần dọn nhà là một cuộc đấu khẩu không lần nào giống lần nào vì mẹ luôn lén vứt đi các thứ của bố tôi. Điều kỳ lạ là, bằng cách này hay cách khác, dù cả vài năm không dùng đến món đồ đó nhưng mỗi lần mẹ vứt đi là bố sẽ nghĩ ra thứ cần sửa và đi tìm nó. Trong khi thẳng tay vứt đồ của bố tôi, mẹ tôi giữ lại trong phòng mình lọ nước nhỏ mắt cạn đáy, cây bút kẻ lông mày hết mực, vài ba lọ kem dưỡng hết hạn, chiếc áo lông mang từ Nga về của dì tôi khi đi xuất khẩu lao động những năm 80, những đôi giày mua online không vừa size... Tất nhiên, câu cửa miệng của hai bố mẹ tôi luôn là "để đấy, đã hỏng đâu mà vất".

Tôi là một người thích theo chủ nghĩa tối giản. Chủ nghĩa này định nghĩa sự tối giản theo nhiều cấp độ khác nhau nhưng chung một mục đích là tiết chế tối đa sự có mặt của đồ đạc, hạn chế sự tiêu dùng quá đà; dành không gian cho sinh hoạt, cho đôi mắt được thấy những gì nó muốn thấy thay vì chỉ thấy đồ dùng và quan trọng hơn là để cho suy nghĩ có được khoảng trống, có được thêm thời gian chọn lựa những gì thật sự cần thiết. Nhưng việc hạn chế mua đồ, phần vì nghèo, phần vì follow theo CNTG không giúp tôi trở nên khác biệt với những người thân xung quanh. Tôi cũng là một đồng nát chính hiệu. Tôi đồng nát ký ức. 

Ở một cách nhìn nào đó, việc tích trữ đồ cũng giống như việc giữ lại một phần quá khứ, tìm cách chắp vá nó ở hiện tại hoặc tương lai. Những chiếc quạt gãy cánh được tháo ra để lấy động cơ, ghép cho một chiếc quạt lành cánh hỏng động cơ khác. Việc "sát nhập" là do "may mắn"có được một chiếc quạt hỏng khác để tái sử dụng, còn nếu không, chiếc động cơ sẽ mãi ở trong tủ, chờ đợi một ngày được tái sử dụng, hoặc có thể là không bao giờ. Cứ như vậy, chiếc tủ chứa cái động cơ cũ ngày một đầy lên. Cái động cơ cũ vẫn ở đấy trong khi những bộ phận khác của cái quạt cũ đã được mang đi tận đẩu tận đâu tái chế. Một người đồng nát thực thụ, chuyên nghiệp sẽ biết tháo lắp, sàng lọc, cân đo đong đếm những thứ có thể tái sử dụng, những thứ có thể bán đi ngay. Còn những người đồng nát "nghiệp dư" chỉ có thể giữ lại, không muốn bán đi bất kỳ thứ gì mình đã nhặt về. 

Đồng nát ký ức làm đầy nhà kho bộ nhớ bởi những sự việc được tháo lắp từ quá khứ, chất đầy hiện tại bằng những mẩu hình ảnh, âm thanh, mùi vị từ rất nhiều năm trước đó. Có những cái rõ ràng hình hài, có những thứ mờ mịt và có cả những ký ức huyễn hoặc tự tạo ra. Một người hoài cổ yêu thích những đồ vật hữu hình có nhiều năm tuổi, nâng niu những giá trị vô hình không thể định giá. Một người đồng nát ký ức tự thu gom tất thảy mọi thứ nhặt nhạnh được ở ven đường với một lời bào chữa "không thể quên đi".

Tôi gọi mình, và những người bạn như tôi, là những kẻ đồng nát giàu có. Bởi tôi, chúng tôi luôn có những cái để lôi ra chỉnh trang lau dọn. Mỗi khi chạm đến một sự kiện ở hiện tại, chúng tôi luôn có một hoặc nhiều cái từ quá khứ lôi ra để so sánh, để gặm nhấm, đôi khi để cố lắp ghép tạo nên một hình hài mới. Những thứ từ quá khứ, mỗi lần như vậy, dạy cho tôi nhiều bài học mà ở những lần trước đó tôi chưa nhận ra. Những ký ức lưu trữ lộn xộn như một nhà kho đồng nát, nhiều khi lại ở một vị trí đắc địa theo một logic nào đó, bỗng xuất hiện một cách hoành tráng, toả sáng ở hiện tại. Những cảm xúc được tích trữ trước đây, một ngày nào đó sẽ lại được khơi dậy, mới mẻ, trẻ trung, hiện hữu sống động trong cùng một con người tưởng chừng như quá già cỗi để có thể có lại những cảm xúc ấy. 

Đồng nát ký ức là không bỏ đi ngay cả những thứ từng gây đau đớn, tổn thương. Mà là chờ đợi để ghép những mảnh ghép ấy vào một hiện tại hài hoà hơn, vị tha hơn. Tuy vậy, đôi khi thứ tích trữ trong ngăn tủ kia đã ở quá lâu mãi chưa được lôi ra tái chế, trở nên gỉ sét, đóng mảng bám mãi vào quá khứ. 

Dù vậy, đồng nát còn là việc chọn lựa, là bỏ đi những gì độc hại, mãi mãi không thể thành hình. 


ảnh: Đồng nát Decor

by Xù.


Comments

Popular posts from this blog

Tại sao ta cần có Tết?

Tuổi thơ của bạn là gì?

Đích đến của một mối quan hệ là gì?